Xác định số lợi bất hợp pháp là tiền trong vi phạm hành chính lĩnh vực thương mại
Theo đó, số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi VPHC và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi VPHC bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ. Lưu ý: Chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ được trừ khi tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó. Cụ thể:
a) Số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt;
b) Đơn giá hàng hóa, dịch vụ được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ để xác định thì đơn giá được xác định theo giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá thì số lợi bất hợp pháp có được là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định.
So với hiện hành, thì Thông tư 65/2022/TT-BTC đã bổ sung “chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ” được trừ khi tính số tiền vi phạm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.