Chính phủ ban hành 4 Nghị định mới hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 với những thay đổi đáng chú ý

Bốn Nghị định gồm: Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 171/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; Nghị định số 173/2025/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức.
Ngày 24/6/2025, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), thay thế Luật hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Bốn Nghị định nêu trên là những văn bản hướng dẫn quan trọng, cụ thể hóa các nội dung cốt lõi của Luật, tạo nền tảng cho việc đổi mới toàn diện nền công vụ.
1. Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (gồm 6 Chương, 73 Điều) một trong những văn bản hướng dẫn trọng tâm của Luật mới.
Một trong những điểm đột phá của Nghị định là khẳng định nguyên tắc tuyển dụng theo vị trí việc làm, thay vì áp dụng chung chung theo ngạch hoặc ngành. Việc tổ chức thi tuyển sẽ căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng vị trí, từ đó xây dựng nội dung, hình thức thi phù hợp, đảm bảo lựa chọn đúng người, đúng việc.
Nghị định quy định rõ về các trường hợp công chức được thôi việc hoặc bị cho thôi việc. Trong đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức được trao quyền quyết định hoặc ủy quyền việc này. Ngoài ra, các quy trình điều chuyển vị trí việc làm, thay đổi ngạch công chức cũng được cụ thể hóa, đảm bảo công bằng và minh bạch.
2. Nghị định số 171/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức (gồm 7 Chương, 42 Điều), trong đó đào tạo, bồi dưỡng công chức theo nguyên lý quản lý công chức theo vị trí việc làm, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác sử dụng, bổ nhiệm và quản lý công chức, bỏ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức.
Công chức phải có trách nhiệm trong việc tự nghiên cứu, học tập và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của ví trí việc làm.
Nghị định cũng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sơ đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương, ở địa phương và cơ quan quản lý nhà nước các cấp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đáng chú ý, Nghị định quy định công chức lãnh đạo, quản lý phải tham gia bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước sau khi được bổ nhiệm.
3. Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (gồm 5 Chương, 30 Điều),
- Lược bỏ hình thức giáng chức, đồng bộ với kỷ luật Đảng; Thắt chặt trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP)
- Bổ sung các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ kỷ luật được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định cụ thể các trường hợp vi phạm được xem xét giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật.
Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được giảm nhẹ mức kỷ luật.
Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì bị tăng nặng mức kỷ luật.
- Đồng thời, để thống nhất với Luật cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thời hạn xử lý kỷ luật.
Theo quy định mới, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, người đã thôi việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.
Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với: Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật; thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có); thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.
- Bỏ một số hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Nghị định quy định hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.
Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.
Như vậy, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã quy định tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP. Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ việc áp dụng các hình thức kỷ luật như: Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức; Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức; Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức và Áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ
Nghị định bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp loại trừ, miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật để thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị (sửa đổi, bổ sung tại Quy định số 264-QĐ/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị), Quy định số 296-QĐ/TW ngày 30/5/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
4. Nghị định số 173/2025/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức (gồm 3 Chương, 16 Điều). Đây là cơ chế mới được quy định trong Luật Cán bộ, công chức để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, chất xám, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước.
Theo đó, có thể ký hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của công chức, đặc biệt là ký hợp đồng với nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý mang tính chất chiến lược, đột xuất, cấp bách; ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện những công việc mang tính chất hành chính hoặc những công việc mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được.
Kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng do ngân sách nhà nước bố trí tối đa bằng 10% tổng quỹ tiền lương (bao gồm lương và các khoản phụ cấp lương) và tiền thưởng, nằm ngoài quỹ lương, ngoài kinh phí khoán chi hành chính theo biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được dự toán trong ngân sách hằng năm.
Với những nội dung đổi mới mạnh mẽ về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, kỷ luật và cơ chế hợp đồng, chùm 4 Nghị định vừa được ban hành tạo nền tảng quan trọng cho việc tái cấu trúc nền công vụ theo hướng chuyên nghiệp, năng động, minh bạch và hiệu quả.
Đây là bước triển khai đồng bộ Luật Cán bộ, công chức, đưa các chủ trương lớn của Đảng vào cuộc sống, lấy công chức làm trung tâm của cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước.
Xem chi tiết nội dung các Nghị định:
Nghị định số 170/2025/NĐ-CP tại đây
Nghị định số 171/2025/NĐ-CP tại đây
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP tại đây
Nghị định số 173/2025/NĐ-CP tại đây