Một số điểm mới của Nghị định 71/2023/NĐ-CP về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/09/2023 với một số điểm mới sau đây:
1. Cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật
Đây là điểm mới nằm trong phần các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với vị trí hiện đang đảm nhiệm.
Như vậy, theo quy định mới này thì cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật.
2. Thay đổi hình thức kỷ luật đảng thì phải thay đổi hình thức kỷ luật hành chính tương xứng
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
3. Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng
Trong đó, về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Cha mẹ chồng không được làm thành viên Hội đồng kỷ luật công chức
Cụ thể, Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định: Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.
Như vậy, so với trước đây thì Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung thêm cha, mẹ (vợ hoặc chồng), anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng không được cử làm thành viên Hội đồng kỷ luật.
5. Thêm trường hợp công chức bị kỷ luật khiển trách
Tại Điều 8 Nghị định sửa đổi 02 trường hợp công chức bị kỷ luật khiển trách gồm:
- Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
6. Sửa quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP cụ thể như sau: cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.