Đội Quản lý thị trường số 3 tổ chức ký cam kết không vi phạm quy định của Pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực

Thực hiện Công văn số 1570/TCQLTT-TTKT ngày 17/6/2024 của Tổng cục QLTT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và tiêu cực; Công văn số 323/QLTTSL-TCHC ngày 11/07/2024 của Cục QLTT tỉnh Sơn La về việc triển khai, thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
Ngày 22/7/2024 tại Trụ sở Đội QLTT số 3 đã thực hiện ký cam kết không vi phạm quy định của Pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Trong đó, công chức Đội ký cam kết với Lãnh đạo Đội, Lãnh đạo Đội ký cam kết với Lãnh đạo Cục.
Nội dung chính của Bản cam kết được ký bao gồm 12 điều liên quan đến cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, như: Không tham ô tài sản; không nhận hối lộ; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; không lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; không giả mạo trong công tác vì vụ lợi….
Để thực hiện tốt quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; để công tác này thực sự hiệu quả, Lãnh đạo Đội và toàn thể công chức, người lao động coi công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định và trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ.
Người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt và trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có). Nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình quản lý; xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động công vụ.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát nội bộ, giải quyết tố cáo. Người đứng đầu đơn vị phải chủ động tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai và thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý của các ấp ủy đảng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.